TRAN XUAN AN - TIEU LUAN 1

TRẦN XUÂN AN - TIỂU LUẬN 1

Saturday, February 03, 2007

Mục lục | BÀI THỨ NHẤT & BÀI THỨ HAI

MỤC LỤC
TIỂU LUẬN


Bài thứ 1

NHỮNG VẤN NẠN VĂN SỬ TRIẾT… VÀ NHỮNG DẤU HỎI BỨC THIẾT VỀ GIAI ĐOẠN GIAO THỜI – HẬU CHIẾN SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Bài thứ 2

TỪ “ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN” IV, V & VI (1847 – 1885 – 1888), SUY NGHĨ VỀ GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ THUỘC THẾ KỈ XX (1930 – 1945 – 1975)

Bài thứ 3

ĐỌC LẠI "TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN" (1847 - 1848) CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN (K. MARX & F. ENGELS)

Bài thứ 4

MỘT Ý NGHĨ NHỎ VỀ MỘT TRUYỀN THỐNG LỚN VÀ MÀT NHÂN VẬT LỊCH SỬ LỚN

Bài thứ 5

THIỀN HỌC VỚI Ý THỨC MINH TRIẾT VỀ DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG VÀ LINH HOẠT TRONG CÁCH SỐNG THIỀN
Trần Xuân An biên soạn, sắp xếp lại một số trang tư liệu.

Bài thứ 6

PHÁP MÔN BẤT NHỊ TRONG THIỀN HỌC VÀ MÂU THUẪN LUẬN TRONG TRIẾT HỌC KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Bài thứ 7

VÀI LỜI TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN HÓA
(CHỦ BIÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM)

Bài thứ 8

THƯ TRAO ĐỔI VỀ MỘT THỜI KÌ LỊCH SỬ, 1930 – 1975
Nguyễn Mạnh Quang & Trần Xuân An

Bài thứ 9

MỘT VẤN NẠN CÒN LẠI:
THÀNH PHẦN THỨ BA THUỘC HÀNG NGŨ GIÁO PHẨM VÀ GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO LA MÃ TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM

Bài thứ 10

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU SỬ HỌC NGUYỄN ĐẮC XUÂN VỀ BÀI VIẾT:
“Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885)
Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)
khó thoát khỏi bước đường cùng”


Bài thứ 11 (bút kí)

MỘT CHÚT TỰ BẠCH: GIỮA VÒNG TAY TAM KỲ VÀ BÈ BẠN




Ngày & việc đáng ghi nhớ:

03-03 HB7 (2007)

Hai bài dưới đây được đưa lên web. trong đợt Google nâng cấp máy chủ (upgrade server), và sau khi Google (trực tiếp do The Blogger Team) chuyển host
“Weblog Tác phẩm Trần Xuân An”
( http://www.blogger.com/profile/14904482 )
sang host mới
( http://www2.blogger.com/profile/04366565891846379473 )
vào ngày 01-02 HB7.

Xin lưu ý: Trong lúc chuyển đổi host, chỉ độc nhất blog này bị mất phần nội dung, gồm 2 bài tiểu luận thứ nhất và thứ hai. Nguyên nhân: Ngay từ khi mới đưa lên weblog, hai bài này hình như được lưu tại một chỗ khác, không phải ở phần quản lí (manage), mặc dù vẫn hiển thị bình thường. Tôi cũng không hiểu tại sao như vậy (có lẽ vì lí do bảo mật, chống hacker, của Google).

Chân thành cảm ơn Google (The Blogger Team) & mong được lưu tâm.

TXA.





BÀI THỨ NHẤT

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
posted: 10.10.2005
Đưa lên weblog này: Monday, November 28, 2005

Trần Ngôn Sử

NHỮNG VẤN NẠN VĂN SỬ TRIẾT…
VÀ NHỮNG DẤU HỎI BỨC THIẾT VỀ
GIAI ĐOẠN GIAO THỜI – HẬU CHIẾN
SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC


Việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường và tác động của quá trình đó vào xã hội, tạo nên những hiệu quả, những phản ứng tiếp nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, chỉ là một hiện tượng bình thường. Nhưng thật ra, đó cũng chính là những gì phức tạp nhất, vì vậy, là những vấn nạn thao thức nhất, thường khiến chúng ta cần ngẫm nghĩ lại như một nỗi niềm trăn trở khôn nguôi. Phải chăng trong những giai đoạn giao thời lịch sử, hiện tượng ấy mới biểu hiện một cách rõ rệt nhất?

Thật khó yên lòng khi mọi người đều là người trong cuộc, lại tránh né, làm ngơ hoặc cố tình xoa dịu nỗi thao thức, trăn trở và nhức nhối ấy một cách thiếu trách nhiệm. Và cũng không tốt lành gì khi vấn nạn đã được đánh động trên báo chí, cả trong nước lẫn ngoài nước, nhưng vẫn chưa đi đến một sự nhất trí trong việc xác lập thái độ cần thiết trước hiện tượng chứa đựng nhiều vấn nạn khoa học xã hội ấy, cụ thể là ở các bộ môn văn học và sử học, triết học và kinh tế – chính trị học. Nói xác lập thái độ cần thiết là nói đến điều kiện tiên quyết, mặc dù kết luận thỏa đáng cần có không phải một sớm một chiều.

Ở nước ta, hai vết thương chia cắt đất nước là sông Gianh (khởi từ 1558) và sông Bến Hải (bắt đầu từ 1954) cho đến nay, đã hơn 417 năm diễn biến và hơn 30 năm (1975 – 2005) di họa.

Sau công cuộc thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài (1788) của Nguyễn Huệ và sự kế tục thành công sự nghiệp thống nhất đất nước ấy (1802) của Nguyễn Ánh, sông Gianh không còn là vết thương cắt đôi đất nước, nhưng trong xã hội thuở bấy giờ, mâu thuẫn hai Đàng vẫn còn rất gay gắt, thậm chí nổ bùng thành nhiều cuộc nội loạn – trấn áp, phản ánh vào văn chương và sử học được sáng tác, ghi chép bởi những tác giả đương thời thuộc giai đoạn đó. Phạm Thái và Nguyễn Huy Lượng với “Phản chiến tụng Tây Hồ phú”“Chiến tụng Tây Hồ phú” là một trong những trường hợp tiêu biểu của thái độ kẻ sĩ Bắc Hà trước tân triều. Ngô gia văn phái với Hoàng Lê nhất thống chí có phải đã nghiêng lệch về phía Ngô Thời Nhậm, một đại thần của vua Quang Trung, mặc dù Quang Trung dẫu sao cũng đã mang gốc gác xứ Đàng Trong? Và tâm trạng Nguyễn Du với Truyện Kiều cùng những tập thơ chữ Hán (Nam Trung, Thanh Hiên, Bắc hành)? Những bài thơ Bà Huyện Thanh Quan? Đặc biệt là Cao Bá Quát, không những chỉ thể hiện thái độ chính trị ở thơ ca mà còn trong hành động múa gươm, cầm súng?

Bây giờ, chúng ta học tập, nghiên cứu và giảng dạy như thế nào? Với quan điểm, lập trường nào là khoa học nhất, chân thực nhất, thỏa đáng nhất?

Cũng những câu hỏi ấy được đặt ra một cách gay gắt, bức thiết trong giai đoạn về sau, thời thực dân Pháp và tả đạo Thiên Chúa giáo thật sự tấn công, đánh chiếm, cuối cùng thống trị nước ta (1858 – 1885). Có lẽ ở thời đoạn này, xác định chiến tuyến và sự chọn lựa thái độ chính trị của kẻ sĩ dễ dàng hơn, vì tình thế địch – ta quá rõ rệt. Tuy vậy, ngoài Nguyễn Đình Chiểu quyết liệt chống giặc Pháp xâm lược, vẫn có cuộc bút chiến bằng thơ giữa Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường! Nhất là đối với những kẻ như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, câu hỏi tưởng chừng không cần đặt ra nữa, thế mà cũng không phải không có những sai lầm kéo dài, những câu hỏi bị cường quyền thực dân, bạo lực tả đạo ngu dân giằng lấy để ném vào im lặng! Những câu hỏi về hai vị phụ chính đại thần yêu nước Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trong Việt Nam sử lược (1924) của Trần Trọng Kim cũng thế!

Và đối với 45 năm (1885 – 1930) thực dân, tả đạo Thiên Chúa giáo hoàn toàn chiếm đóng đất nước ta, hoàn toàn thống trị dân tộc ta, những câu hỏi ấy cũng không phải không dậy lên trong lòng vài ba thế hệ hiện thời cùng chung sống, học tập, nghiên cứu và giảng dạy! Phan Bội Châu với chủ trương cầu viện Nhật Bản ở thời điểm Nhật đã hùa theo thực dân Âu Mỹ xâm lược Triều Tiên (1875) và đã chiến thắng đế quốc Nga sa hoàng (1904), phải chăng là sáng suốt, không phải “đuổi cọp cửa trước, rước hổ ngõ sau”? Phan Châu Trinh với chủ trương “bất bạo động, bạo động giả tất tử; bất vọng ngoại, vọng ngoại giả tất ngu” (đừng bạo động, bạo động ắt phải chết; đừng trông chờ ngọai viện, chờ ngoại viện hẳn là ngốc), chỉ nên dựa vào giặc Pháp thống trị để đánh đổ chế độ phong kiến nhà Nguyễn giai đoạn Khải Định thực sự là tay sai, bù nhìn, nhằm “chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh”, hướng tới một chế độ cộng hòa “Pháp – Việt đề huề”, có phải là cải lương chủ nghĩa, thực chất là thỏa hiệp với giặc Pháp?

Đặc biệt, dấu mốc lịch sử bị xem là “nhạy cảm” nhất (dùng từ ngữ chính xác là “gây đụng chạm nhất”) là con số nào? Phải chăng là 1917? 1920? hay 1930? hoặc 1945? Và những dấu hỏi nào neo vào giai đoạn ấy, từ khi phong trào cộng sản xuất hiện như một lực lượng có chính quyền và thực lực ở một đất nước rộng lớn là nước Nga (Liên bang Xô-viết)? Phong trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh đâu phải không bị xem là cuộc nổi loạn của “bọn giặc vô thần”, tay sai Nga–Liên Xô, một đế quốc đỏ của châu Âu! Phan Bội Châu đã từng được những người cộng sản Nga đặt vấn đề gây dựng phong trào cách mạng vô sản ở nước ta, và Phan Bội Châu đã xác định bằng hai chữ “giảo quyệt” về phong trào cộng sản do người Nga đứng đầu ấy, trong cuốn hồi kí “Tự phán”! Có phải ở giai đoạn cuối đời, Phan Bội Châu thỏa hiệp với chủ trương “Pháp – Việt đề huề” như Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ đứng tên trong hồ sơ đơn trương xin lập Đông Kinh nghĩa thục, rồi Phan Bội Châu lại tán thành phong trào cộng sản quốc tế của Lénine – Staline? Cũng trong thời đoạn 1920 – 1945 này, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), một nhân vật lịch sử được Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc, trong thập niên 80 thế kỉ XX, thẩm định và đề cao là danh nhân thế giới, “nhà văn hóa kiệt xuất [*], anh hùng giải phóng dân tộc”, không phải không bị chính một bộ phận người Việt phỉ báng, xuyên tạc, thậm chí kết án là tay sai của Nga Xô, một trong những người sát tả đạo Thiên Chúa giáo! Đó là một trong những câu hỏi mà ở nước ta hiện nay không một ai dám nêu lên (không dám nêu lên trên mặt báo đã đành, cũng không ai dám nêu lên ngay cả trong những lúc bia bọt rượu chè, vui miệng!), trừ một số cây bút sử gia nước ngoài hay người Việt hải ngoại.

Và những câu hỏi khốc liệt vẫn không ngừng được đặt ra ở cuộc chiến tranh với vết thương chia cắt đất nước là sông Bến Hải, thuộc giai đoạn sau (1954 – 1975), một giai đoạn hầu như vài ba thế hệ đã sống, trải nghiệm, với tư cách là người trong cuộc hay là chứng nhân, nạn nhân. Đích thực Diệm – Thiệu, hai tổng thống tả đạo Thiên Chúa giáo, không nghi ngờ gì nữa, là hai kẻ đứng đầu chế độ ngụy tả ở Miền Nam Việt Nam (cái được gọi là đệ nhất cộng hòa – đệ nhị cộng hòa!). Chế độ Mỹ – ngụy tả đạo cộng hòa ấy thực chất là sự nối dài của chế độ Pháp – ngụy tả đạo phong kiến. Những mệnh đề khẳng định ấy cũng cần thiết đặt thành câu hỏi chăng? Và có cần thiết phải chép lại cho đủ số câu hỏi đặt ra, trong đó có câu đại loại như “Thực chất cũng như vậy, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc Việt Nam là tay sai của “quan thầy Liên Xô – Trung Cộng””? Cụm từ trong ngoặc kép, in nghiêng là của các đài phát thanh và một ít công báo ở Miền Nam trước 1975, và đến nay vẫn còn được sử dụng ở một số sách báo in giấy, tạp chí điện tử hải ngoại (xin xác định rõ, không phải báo chí, sách xuất bản, website nào ở hải ngoại cũng thế).

Thời hậu chiến (1975 – 1989) là giai đoạn hòa bình, tự do, hạnh phúc, độc lập, dân chủ chăng? Không, trong đó vẫn còn cuộc chiến tranh hơn mười năm tại biên giới phía Bắc, nhất là ở biên giới phía Tây – Nam và trên lãnh thổ nước láng giềng Campuchia. Đó là cuộc chiến giữa Việt Nam với liên minh Bắc Kinh bành trướng đỏ – Kh’Mer đỏ, khiến nước ta càng lệ thuộc sâu hơn vào Liên Xô chăng? Những câu hỏi vẫn chói gắt bật lên, tung ra, khắc sâu. Không những các dấu hỏi xoáy vào “cuộc chiến của tình nghĩa anh em đỏ” (“The red brotherhoods’ s war”), mà còn ở xã hội Miền Nam Việt Nam. Thật có chăng tình trạng những chùa chiền, đình miếu bị cất dẹp chân đèn, lư nhang, tượng Phật, bài vị tổ tiên họ tộc, để rồi bị trưng dụng làm văn phòng, sân phơi, kho lúa hợp tác xã, thậm chí để hoang, dột nát? Người Miền Nam có bị phân biệt đối xử không? Có phải người Miền Bắc đã di dân kiểu xâm thực Miền Nam? Có phải những trí thức Miền Nam bị ép buộc hoặc bị giăng bẫy để phải rời khỏi những công việc chuyên môn, nhằm mục đích của Miền Bắc là chiếm chỗ tại Miền Nam để dễ bề thống trị? Tại sao ở Miền Nam, học sinh trung học, sinh viên đại học chủ yếu tuyển sinh từ Miền Bắc? Tại sao có đến hàng triệu người, thuộc nhiều diện khác nhau, chủ yếu là người Miền Nam bị cưỡng bức chạy ra nước ngoài xin tị nạn? Ai cưỡng bức? Cưỡng bức bằng bạo quyền, thủ đoạn ma mãnh, quỷ quái trong thực tế hay “cưỡng bức tâm lí”? Chuyên chính vô sản hay “tàn dư Mỹ – ngụy tả đạo” còn sót trong tâm thức? Và vô số câu hỏi khác về các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, thời “bao cấp kinh tế”, “bao cấp tư tưởng”, rồi còn vô số câu hỏi về kinh tế thị trường, tự hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa thời Đổi mới, sau khi Liên Xô, Đông Âu thuộc hệ thống chế độ mác-xít – lê-nin-nít – sta-lin-nít sụp đổ, Trung Quốc đã theo “chủ nghĩa cơ hội Đặng Tiểu Bình”.

Và, tại sao chưa có tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản tại nước ta?

Đó là những câu hỏi trung thực về mặt trái sử học hay là những câu hỏi phản quốc, nhẹ tội nhất cũng là loại câu hỏi phản động!

Cho dù đánh giá thế nào đi nữa, những dấu hỏi ấy vẫn tồn tại trong lòng người, giữa xã hội và trên những trang sách báo, in giấy hoặc trên mạng liên thông toàn cầu (internet), của người Việt Nam chúng ta hay của những người ngoại quốc quan tâm đến tình hình chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa – tư tưởng và nhiều lĩnh vực khác ở nước ta. Không ai có thể thờ ơ, nữa là người cầm phấn trước bục giảng, cầm bút trên trang bản thảo nghiên cứu, sáng tác.

Những câu hỏi đặt ra là để mời gọi sự trả lời và tự trả lời. Đó là những câu hỏi (what? when? who? why? where? và how?) thuộc yêu cầu nghiên cứu khoa học và sáng tác văn học nghệ thuật, đúng như một phương châm ai cũng biết, đại để là “không đặt vấn đề (không hoài nghi, nêu câu hỏi), sẽ không có khoa học” và có thể mở ra một hệ luận là không có cả văn nghệ chân chính, sâu sắc nữa.

Những câu hỏi như vậy đặt ra là để vươn tới sự tiến bộ, chân thực trong khoa học xã hội và trong văn nghệ với những thành tựu mới. Trong giáo dục, là để động viên và tự động viên sự nghiên cứu, học hỏi và tôn trọng chân lí, nhất là tôn trọng sự thật lịch sử, sự thật hiện thực với thái độ trung thực, dũng cảm. Trong xã hội nước ta, sau khi vết thương sông Gianh chia cắt đất nước thành hai Đàng phong kiến, tuy đã khỏi, vẫn còn nhức nhối, vết thương sông Bến Hải chia cắt ý thức hệ, địch – ta, tuy đã lành, vẫn còn rỉ máu, để đoàn kết dân tộc trong điều kiện ắt có và điều kiện đủ là người Miền Nam định cư tại Miền Nam và tự quản lí chính quyền Miền Nam, người Miền Bắc định cư tại Miền Bắc và tự quản lí chính quyền Miền Bắc, không xâm lấn nhau, triệt hạ nhau, dưới sự lãnh đạo thống nhất của một Nhà nước Việt Nam duy nhất, với một nền kinh tế – văn hóa nhất thống (theo nguyên tắc chung của mọi đất nước trên thế giới: một dân tộc [gồm nhiều nhân tộc], một lãnh thổ, một nhà nước).

Hay chúng ta chấp nhận như thời thực dân Pháp – ngụy tả đạo thống trị, các bậc ông, cha chúng ta cứ phải nhai đi nhai lại câu sử học thuộc loại nhồi sọ trắng trợn, “Tổ tiên ta là người Gô-loa (Gaulois)”? Đó là một “chân lí”, “sự thật” quá sai lầm, khiến người dạy, người học phải hổ ngươi đến mức nhục nhã? Và cứ thế, cứ chịu đựng nhục nhã như thế, mà nhiều người trong số họ đã đỗ đạt từ sơ học, cao đẳng tiểu học, thành chung, tú tài, cử nhân, đến tiến sĩ Tây học; nhưng rồi cũng có người trong số đó đi làm cách mạng chống thực dân Pháp. So sánh, ví von như thế là khập khiễng quá đáng! Có điều, người viết bài này muốn nói: Trong truyền thống dân tộc Việt Nam ta, trải qua ngót một nghìn năm nô lệ giặc Tàu, ngót một trăm năm bị giặc Tây đô hộ, nên vốn có một “đức tính” chịu đựng, tuy chịu đựng dài lâu nhưng vẫn bền bỉ nuôi chí quật cường; thế thì … xin chịu đựng tiếp! Và rồi, đáng buồn thay, những trang sử dân tộc Việt Nam về thời hiện tại sẽ tủi buồn biết mấy!

Dẫu trong hoàn cảnh nào cũng phải học. Không học, chắc chắn là ngu dốt. Thà học năm điều sai, năm điều đúng, ta còn rèn luyện được tư duy, phương pháp học tập, nghiên cứu, làm việc, như vậy còn hơn không được học, bị ép bỏ học, hoặc lười học, chịu ngu dốt, óc não như một mớ đất sét.

Học tập, nghiên cứu khoa học tự nhiên, kĩ thuật – công nghệ, ngoại ngữ là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, văn học, sử học, triết học là những bộ môn khoa học có vấn nạn nhiều nhất, bức xúc nhất, lại càng cần thiết phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, khoa học hơn, để vươn lên giải quyết những vấn nạn ấy, một cách trung thực, khoa học, và dũng cảm chấp nhận chân lí, sự thật. Tinh thần sáng suốt, tích cực hay không, ý chí và nghị lực có mạnh mẽ hay không, là ở đó. Bậc phụ huynh nào cũng khuyên con em mình như thế.

Thật không yên lòng nếu những vấn nạn được nêu lên để dẫn đến tình trạng người cầm phấn trắng trước bảng đen ném phấn, bỏ nghề, người cầm bút trước bản thảo dở dang quẳng bút, học sinh, sinh viên lười học, chán học, thậm chí bỏ học, nhất là đối với các môn văn học, sử học và triết học, mặc dù kinh tế - chính trị học không phải không có vấn nạn bức xúc (không phải vì bản năng giai cấp mà bức xúc!), hoặc không chống lại sự cưỡng ép bỏ viết, bỏ dạy, bỏ học (1) (2).

Không nêu ra vấn nạn là tiêu cực vô tâm, không làm rõ những vấn nạn cũng chỉ là tiêu cực vô trách nhiệm? Lương tâm sẽ không bao giờ thôi ray rứt, nếu tất cả mọi người đặt ra những vấn nạn ấy để rồi tất cả đều im lặng, mặc cho xã hội trượt dài vào tiêu cực lẽ ra không nên có, và mặc dù có thể đánh tan ý thức tiêu cực ấy.

Người viết bài này, cũng như nhiều người khác, tự xét và tự nghĩ, dẫu sao, cũng đã góp toàn sức lực trí tuệ, tâm hồn mình, cho dù đó chỉ là một chút đóng góp quá nhỏ bé, trước những vấn nạn đầy thao thức, trăn trở trong giai đoạn giao thời – hậu chiến của dân tộc Việt Nam ta, đồng bào Việt Nam ta trong nước cũng như hải ngoại (3).

Tp. HCM., lúc 16 : 16, ngày 10-10 HB5
Trần Ngôn Sử

Chú thích:

[*] Theo tiêu chí của văn hóa Âu Mỹ (xa lạ, dị ứng với cái đình, cái chùa, không lập bàn thờ gia tiên, như các loại tôn giáo xuất phát từ Ki-tô giáo !). (Tác giả bổ sung ngày 17-11-2005 [HB5]).

(1) Trong tiểu thuyết NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG (Nxb. Thanh Niên, 2003), tác giả đã nêu lên vấn đề: Nghiên cứu, hội thảo khoa học tuy gắn bó chặt chẽ với việc giảng dạy và nội dung giảng dạy, nhưng không nhất thiết và không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Nghiên cứu, hội thảo khoa học luôn luôn đi trước, có nhiệm vụ khai phá, mở đường cho sự tiến bộ của nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, việc cập nhật hóa những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu vào nội dung giảng dạy ở trường học vẫn là một yêu cầu thiết yếu của khoa học giáo dục. (Tác giả bổ sung ngày 13- 11-2005. TXA.).

(2) Ghi chú: Một số chữ không quan trọng (chỉ để trau chuốt lại các câu văn, chứ không nhằm mục đích chỉnh sửa ý tưởng vốn có), được tô màu xanh, do tác giả bài viết thêm vào, sau khi Web Giao Điểm đã đăng (Trần Xuân An, 11-10 HB5).

(3) Phụ đính:
Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
posted: 19.9.2005
trong Giọt Mực, Cánh Đồng và Vở Kịch Điên
tập thơ thứ tám của Trần Xuân An

SÁNG THÁNG GIÊNG Ở GÒ ĐỐNG ĐA


1
lặng mình trước tượng đài Quang Trung
gò Đống Đa dưới chân tôi!
Nắng tỏa
từ quản bút lưng trâu và chú bé Hồ Thơm (1)
trên đèo núi chập chùng
từ thanh gươm Nguyễn Huệ Tây Sơn
nghe sử thi thắp tim mình chói lóa

2
ông cha vào khai khẩn đất phương nam
mãi xót lòng nỗi cằn cỗi Nghệ An
phải đổi họ lấy chút yên thân nơi xứ lạ
vua, và hai chúa hai Đàng
Đất nước nát tan
đành dựng cờ đào trên rối bời tàn phá
với thanh gươm nghĩa cả

3
lần đầu tiên ra đây đến ngồi trên ghế đá
tôi ngẩng mặt trên bàn đá
đọc lời hịch hào hùng chói ngời dân dã
chạm lên tảng đá
sáng rọi nghìn sau
ngước nhìn tượng đài Ông cao vút trời sâu
mắt Quang Trung
nhìn tận Cửu Long
- lũ lũ đàn đàn quân Xiêm tan rã - sạch làu!
mắt Quang Trung
vượt qua gò đất chiến công
- một núi xác Tàu -
tầm kế sách vượt bao triều vua vương giả

4
sao để mãi hồn dân tộc bao đời đành sáng
ngời trong văn tự lạ!
bắt con Trời Càn Long đầu gật mày chau
Quang Trung lấy lại Lưỡng Quảng nghìn xưa
bằng hào quang và một cỗ cau trầu!
(ôi lịch sử loài người!
những dân tộc
những quốc gia
dồn đuổi nuốt tươi nhau!)

5
thực dân Phương Tây từ lâu
dò la Bắc - Nam
run rẩy đưa cao thập giá
run rẩy đưa cao nhánh lá (2)
kèm bản đồ
giấu trong hàng hóa:
thư về nước, ngẩn ngơ, kinh hoàng
phơi lòng dạ!
ngợi ca Át-ti-la Phương Nam (3)
nét chữ bần thần nghiêng ngả
nguyện cầu!

6
danh sĩ Bắc Hà tâm phục đến chầu (4)
Hoàng đế Phương Nam, áo vải,
da sạm nâu
rất mưu lược
sao hiền hòa chân thành quá
rất bản lĩnh
và ân tình đến lạ

7
lặng mình trước tượng đài Quang Trung
hiểu tuổi sống của thiên tài Tây Sơn
thắp sức sống nhân dân
sáng bừng vận nước
nhưng
“Ai tư vãn” muôn đời còn đau! (5)
đau đến muôn trùng!

8
tôi ngồi trên ghế đục ra từ núi đá
ngẩng mặt trên bàn đục ra từ núi đá
trên xác thù bạo ngược
gò Đống Đa
ngập nắng sáng, tháng giêng
lá xanh, xanh mướt
thầm hát câu thơ về người áo vải anh hùng
cảm khái dân tộc mình dựng lên tầm cao Tổ quốc
phải bằng sông máu núi xương
và gò xác giặc điên khùng!
ôi, gò xác này chỉ là biểu trưng
một tầm cao, cao thẳm, không biết
lấy gì đo được!

9
đâu rồi đền miếu, bát hương thuở trước
đã thắng giặc bằng căm thù
và bằng cả bao dung!
hương khói
tỏa lên dăm nét chữ chỉ đích danh:
lũ rối sắt máu, từ tim đen Càn Long
luôn chờ cớ xua quân cướp nước!
ôi lịch sử
nhân và nghĩa
cho vô cùng!

10
Quang Trung
người dựng mùa xuân
trên nỗi tan hoang hai miền Tổ quốc
bằng muôn triệu kiếm cung
trổ lên từ đồng Nam ruộng Bắc
bằng thanh gươm lóe thép Tây Sơn
bằng mùa mai thắm tươi ra Bắc
bằng mùa đào sáng bừng vào Nam
mùa xuân nối liền
vết thương sông Gianh
hai trăm năm
đau thắt Miền Trung

11
Hồ Thơm: Nguyễn Huệ: Quang Trung!
từ Nghệ An cỗi cằn
ông cha vào phương nam khai hoang
cánh chim Phượng Hoàng
mơ về đậu đỉnh xanh núi Quyết
chỗ đòn gánh kê vai gánh trĩu mùa vàng
chín rạn và bầm huyết
phải chăng
Trung Đô (6)
chiến lược nối liền Nam - Bắc hai Đàng?
và phải chăng
lệch tình ruột thịt cố hương nên nghiêng đổ hết?

12
Quang Trung
chỉ là lực biến dịch
cho sông Gianh thôi gào thét?
để vận nước nối liền bằng thanh gươm Gia Long
cựu thần Đàng Ngoài cuồng trung giẫy chết
Nguyễn Du khóc Kiều đứt ruột đắng lòng
qua Đèo Ngang, buổi nắng tà uá rét

"quốc quốc gia gia" hoài Lê thê thiết
Bà huyện Thanh Quan
tự đục tên khỏi gia phả nhà chồng? (7) (7b)
ngỡ mình là Hán tộc Hồng Tú Toàn,
Cao Bá Quát huà theo lũ châu chấu điên ngông (8)
quyển thơ thiên tài máu bết!
Phê-rô Tạ Văn Phụng (9)
mạo danh con vua Đa-vít Viễn Đông
Kinh Thánh rao giảng ngược,
ngược ngôi sao Na-za-rét (10)

"triều Nguyễn là đế quốc La Mã bên sông Hương!" - ngược lời,
lâu la hú hét -
máu chảy ngược sông Hồng!
ôi, Quang Trung! Quang Trung!
chỉ là lực biến dịch
cho sông Gianh thôi gào thét?
để Đàng Ngoài cứ mãi hoài Lê
với nỗi cuồng trung!

13
từ Hà Nội mùa xuân
ngậm ngùi tưởng tiếc
ngồi trên gò Đống Đa
trên đỉnh cao chiến công Quang Trung
nắng hồng xanh non cỏ cây tháng Tết
tôi ngước nhìn Quang Trung
Quang Trung, Quang Trung, lực biến dịch
loé chớp
lành lặn vết thương sông Gianh
nối liền non sông nối liền biển biếc
trước thanh gươm vó ngựa Gia Long
Đàng Ngoài phải chăng tự dựng mùa đông?
mùa đông lan vào Đàng Trong
trăm năm thực dân tàu đồng súng thép...
Giê-su vô can, mười chín thế kỉ Người đã chết
sao giáo đường sáng trưng
thắp bằng máu mỡ Việt?
Đàng Ngoài - Đàng Trong
bỗng chung một nỗi lạnh tê rỉ rét...

14
từ Hà Nội mùa xuân
ngậm ngùi tưởng tiếc
Quang Trung, Quang Trung
tôi chợt hiểu chút máu thái thú bao đời trong Ông
mãi vỡ mạch muôn đời trên trang sử chép
vết thương Bến Hải đã xa, xa lắc, trập trùng
tôi viết từ uẩn khúc Miền Nam,
uẩn khúc thuyền nhân:

"nội - nội phân tranh
ngoại - ngoại phân tranh"
lịch sử viết thẳng hay uốn cong?
và sao vang ra tận đây
- Hà Nội mùa xuân -
những tiếng khóc ròng?
vết thương Bến Hải
thiếu vắng một Quang Trung?
Quảng Trị quê hương
đau thương, hào hùng, quyết liệt
sao vang ra đây
câu hỏi nghẹn ngào róng riết
thiên tài Lê Duẩn là Quang Trung?
ý chí kiên cường Lê Duẩn là Gia Long? (11)
lịch sử đã lặp lại chăng?
lịch sử đã hoán vị hai Đàng?
đâu rồi bao tấm lòng đau niềm chung da diết
ai đó còn thao thức, khắc khoải, chờ mong
(ta chờ mong trái tim ta rất Việt!) ?
sông Gianh - Bến Hải, nắng nỏ, bão bùng
nỗi niềm đứt ruột Miền Trung
vết thương chưa thôi gào thét?

15
ra thăm Hà Nội, ngắm hoa đào mùa Tết
tôi mỉm cười, bâng khuâng.


Hà Nội, 05.03.1997
Tp. HCM., 20.03.1997 & 02.2004

(1) Nguyễn Huệ có tên thật là Hồ Thơm, vốn là hậu duệ của dòng họ Hồ Quý Ly (họ Hồ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; về sau chuyển ra Thanh Hoá...). Hồ Quý Ly lại là hậu duệ của thái thú Hồ Hưng Dật, người thiểu số (?) Trung Hoa, sang cai trị nước ta thời Bắc thuộc. Mặc dù có gốc gác rất xa đời là người thiểu số (?) Phương Bắc (Trung Hoa), nhưng thực chất huyết thống dòng họ Hồ Thơm (Nguyễn Huệ, chi nhánh ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã pha trộn qua mấy chục đời để trở thành huyết thống Việt. Dẫu vậy, vẫn có một bộ phận nhân dân không ủng hộ Quang Trung Nguyễn Huệ vì lẽ đó.

Có tư liệu cho rằng: Tổ tiên dăm ba đời trước của Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) là lính thuộc quân binh họ Trịnh Đàng Ngoài. Trong một đợt giao chiến với quân Đàng Trong, người lính ấy bị bắt sống, và may thay, được chuá Nguyễn cho đưa vào Bình Định khai hoang lập ấp, rồi được phép định cư hẳn ở đấy. Từ đó, đất Tây Sơn tỉnh Bình Định có một nhánh họ Hồ vốn thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh sôi nẩy nở, nhưng lại đổi sang họ Nguyễn. Tư liệu này cần được khảo chứng thêm.

(2) Nhánh lá trong ngày lễ Phục sinh (theo sự tích lịch sử - Kinh Thánh: nhân dân Do Thái tung hô Chuá Giê-su [Jésus], hậu duệ vua Đa-vít [David]).

(3) Attila (người Hung Nô [Les Huns, Mông Cổ], 406? - 453): một danh tướng có tầm vóc thế giới, xét về mặt thiên tài quân sự. Các cố đạo Thiên Chuá giáo vừa khâm phục, vừa lo sợ trước thiên tài quân sự của Quang Trung; họ so sánh Attila với Quang Trung trong những bức thư gửi về Pháp, Tây Ban Nha...

(4) Tất nhiên vẫn có rất nhiều cựu thần vua Lê, chuá Trịnh chống đối: Phạm Thái (tác giả Sơ kính tân trang), Nguyễn Công Tấn (thân sinh Nguyễn Công Trứ)...

(5) Ai tư vãn, một bài thơ dài của Lê Ngọc Hân (công chuá nhà Lê), vợ Quang Trung, khóc thương vị vua này khi ông băng hà.

(6) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Huế (lấy hiệu là Quang Trung), nhưng về sau lại có kế hoạch dời đô về nguyên quán Nghệ An. Địa điểm xây dựng kinh đô là vùng đất dưới chân núi Quyết, bên bờ sông Lam. Tên kinh đô là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành.

(7) Xin xem chú thích (7 b).

(7b) Xin đừng hiểu Bà huyện Thanh Quan đồng cảm với những người Chăm (““chợ” mấy nhà”), khi dừng bước ở Đèo Ngang, vốn là biên giới Đại Việt – Chăm-pa thuở nào. Cũng đừng đẩy xa ý tưởng đó, rồi cho rằng, người Đàng Ngoài với người Chăm có chung một kẻ thù là các chuá Nguyễn, vua Nguyễn, khi cảm nhận hai câu luận và hai câu kết của bài “Qua Đèo Ngang”:

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta


Đặc biệt là câu thơ “một mảnh tình riêng, ta với ta”! Ấy chỉ là cảm xúc khi chỉ còn mình đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn. Cũng đừng đẩy xa hơn nữa ý tưởng đó, để kết luận Bà huyện Thanh Quan vốn có gốc gác là Chăm, tuy không ít người Đàng Ngoài đích thực là người Việt gốc Chăm (người Chăm phải ra Đàng Ngoài nhập cư, từ thời Lý đến thời Nguyễn).

Tôi nghĩ thi sĩ đài các, trang trọng rất mực trong ngôn từ thơ ca này có thể bị ám ảnh về biên giới lịch sử bởi câu sấm kí của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (Đèo Ngang một dải vạn đời dung thân), khi chuá Nguyễn Hoàng đến xin gặp Trạng Trình để tham khảo ý kiến. Mặc dù trong thực tế, sông Gianh mới là biên giới Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhưng trong tâm thức người Đàng Ngoài, Hoành Sơn (Đèo Ngang) mới là biên giới có tính lịch sử.

Phải liên hệ với các bài thơ khác của Bà huyện Thanh Quan, nhất là “Thăng Long thành hoài cổ” , khi cảm thụ “Qua Đèo Ngang” .

(8) Phong trào Thái Bình thiên quốc (bài Thanh phù Hán) ở Trung Hoa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo; về sau biến tướng thành giặc Cờ, quấy nhiễu các tỉnh biên giới nước ta để chiếm cứ đất, xưng hùng xưng bá.

(9) Tạ Văn Phụng là một giáo dân, có tên thánh là Pierre (Phê-rô). Tuân theo lời các cố đạo, các tên thực dân Pháp, Tây Ban Nha, y mạo danh là hậu duệ vua Lê, với cái tên Lê Duy Phụng hoặc Lê Bảo Phụng. Pierre Tạ Văn Phụng gây nên một cuộc nổi loạn phản quốc, kéo dài nhiều năm, tạo thêm sức ép ở phía Bắc Kì, để triều đình Huế phải kí nhượng ước Nhâm tuất 1862, và mưu toan lập "xứ Bắc Kì thuộc Pháp "bảo hộ"" . Sau khi đạt mục tiêu, thực dân, cố đạo Pháp và Tây Ban Nha liền bỏ rơi Pierre Tạ Văn Phụng!

(10) Nazaret, quê hương của Chuá Jésus. Theo Kinh Thánh, lúc Đức mẹ Maria sinh ra Chuá Jésus, trên trời có xuất hiện một ngôi sao lạ. Ngôi sao này dẫn đường cho ba vị vua Trung Đông đến chầu.

(11) Không phải chỉ khi đề cập đến Gia Long (Nguyễn Ánh), mới cần nhận thức theo quan điểm lịch sử - cụ thể, nhưng không thể không nhấn mạnh như thế khi cần làm sáng tỏ, thoả đáng thêm về vấn đề này.

Chủ quyền Đất nước dưới chế độ quân chủ cũng là một hình thức quan hệ sở hữu phong kiến (Đất nước và thần dân là tài sản và tôi tớ của hoàng tộc cầm quyền, nối đời thừa kế). Do đó, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh đổ triều Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản) là để giành lại cái gọi là quyền sở hữu Đất nước Đàng Trong và thần dân của dòng họ mình, và thừa kế luôn cả Đàng Ngoài mà dòng họ ông ta có công trung hưng (vai trò công thần của Nguyễn Kim). Chủ quyền Đất nước và nhân dân được xác lập theo quan hệ sở hữu phong kiến về tài sản và nô bộc là một quan niệm phản động, cực kì phản động, nếu đứng ở giác độ dân chủ để phê phán. Tuy nhiên, ở cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Ánh vẫn chính nghĩa theo quan niệm phong kiến! Và cũng cần khẳng định rõ: mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và cố đạo thực dân Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) chỉ là quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi! Sau khi nắm được ngai vàng hoàng đế, chính Gia Long (Nguyễn Ánh) đã hạn chế sự bành trướng Thiên Chúa giáo! Như thế, trên cơ sở đó, có thể có một nhận định: Quang Trung (Nguyễn Huệ) đáp ứng được yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải thống nhất Đàng Trong - Đàng Ngoài (mặc dù công lao ấy phần nào còn bị hạn chế do tình trạng tam phân giữa ba anh em Tây Sơn). Tuy nhiên, Gia Long (Nguyễn Ánh) không phải không chính nghĩa, xét theo quan hệ sở hữu phong kiến về vương quốc, thần dân; và Gia Long còn kế thừa cả sự nghiệp thống nhất Đàng Trong - Đàng Ngoài của Quang Trung một cách tốt đẹp. Đó không phải là một nhận định "ba phải", mà xét trên cơ sở sự thật lịch sử và xét theo quan điểm cụ thể - lịch sử tiên tiến, khoa học nhất của chúng ta, trong thời đại dân chủ hiện nay. Mặc dù đối với chúng ta hiện nay, chế độ phong kiến nói chung (chứ không phải chỉ riêng triều Nguyễn) vốn đã trở nên quá lạc hậu, cực kì phản động, "một đi, không bao giờ trở lại", nhưng cũng phải công bằng, thỏa đáng trong việc nhận định lịch sử.

Nói một cách giản dị, Nguyễn Ánh không dễ dàng gì để mất vào tay Tây Sơn sự nghiệp suốt hai trăm năm của dòng họ ông ta. Đó là sự nghiệp chín chuá Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân Đàng Trong khai phá đất phương nam, từ Phú Yên đến Cà Mau!

Cũng nói một cách giản dị, nếu lấy tiêu chí dân chủ hiện nay, nhất là dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực sở hữu ruộng đất (sở hữu toàn dân hay còn gọi là công hữu), để nhận định về chế độ phong kiến quân chủ ... rồi trách cứ, thì chẳng khác nào trách cứ sao Nguyễn Du không sáng tác Truyện Kiều trên máy vi tính và phát hành trên mạng VnExpress hoặc Cinet! Nhưng có người sẽ vặn lại tôi: Đâu rồi quan điểm so sánh đồng đại? Từ năm 1848, giữa thế kỉ XIX, Karl Marx và Fridrich Engels đã xuất bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản kia mà! Tôi chỉ biết bảo người ấy nhìn ra thế giới ngay vào thời điểm này: Hiện còn bao nhiêu nước theo chính thể quân chủ lập hiến (lập hiến nhưng vẫn còn vua chuá!)? Còn năm 1848, cách thời điểm Gia Long lên ngôi (1802) đến bốn mươi sáu (46) năm! Nếu chọn thời điểm so sánh tương đồng, phải là 1789, năm cách mạng tư sản Pháp nổ ra và cũng là năm Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, triều đại vua Lê - chuá Trịnh hoàn toàn tiêu tan; và lúc đó, Nguyễn Ánh vẫn còn trường kì chiến đấu khôi phục. Nhưng cách mạng tư sản Pháp tồn tại không bao lâu; rồi chính giai cấp phong kiến Pháp cũng xé toạc Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền 1789 * để phục hồi đế chế quân chủ! Vả lại, nên hiểu giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ, cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, trong điều kiện chung là thông tin liên lạc còn hạn chế. Do đó, giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ là chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là phạm vi châu Á... Hơn nữa, tầm nhìn còn bị quy định bởi bao nhiêu điều khác, nhất là nền tảng dân trí toàn xã hội! Hiểu như thế, mới thật là lịch sử - cụ thể. Không nên kéo lùi lịch sử hiện tại vào sự lạc hậu (tụt hậu), cũng không nên cưỡng bức lịch sử quá khứ phải thật dân chủ xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu Đất nước, tức là quyền làm chủ Đất nước (đúng nghĩa là dân chủ đích thực, chứ không phải trò lừa từ ngữ *)

[* Đây không phải chỗ để đề cập đến các quyền dân chủ cụ thể khác, về chính trị, xã hội, văn hoá...].

Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc lại một nhận định xác đáng và công bằng của nhiều nhà nghiên cứu sử học về Gia Long Nguyễn Ánh: Ông là một con người có nghị lực mạnh mẽ, vị vua sáng nghiệp từ hai bàn tay đã trắng (có khi quân lính không còn một đội, lương thực không có để dùng). Ông chỉ có một điều kiện thuận lợi, ấy là lòng trung thành của nhân dân Đàng Trong đối với các chuá Nguyễn tiền bối.

Ở chú thích này, tôi chỉ nhấn mạnh đến nghị lực mạnh mẽ hay còn gọi là đức tính kiên cường của Nguyễn Ánh, nhất là sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, từ Nam Quan đến Cà Mau.

Và khi so sánh tổng bí thư Lê Duẩn với Quang Trung, Gia Long ở ba khía cạnh đó, tôi hiểu "so sánh nào cũng có sự khập khiễng".

TXA.

_______________________________________________


BÀI THỨ HAI

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 5-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
posted: 23.5.2005
Đưa lên weblog này: Monday, November 28, 2005

Việt Nam, TP.HCM. (Sài Gòn), lúc 15:42,
ngày 23 tháng 5, 2005

THƯ

Kính gửi ông Nguyễn Văn Hóa
(chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm)

Thưa ông,

Một lần nữa, xin hết lòng biết ơn ông và nhóm chủ trương Giao Điểm, về việc đã đăng tải hầu hết cuốn sách “Nguyễn Văn Tường (1824–1886), ‘những người trung nghĩa…’”, kể cả phần phụ lục (tư liệu gốc…), nhất là Lời bạt cuối sách của Web Giao Điểm.

Hôm nay, xin kính gửi đến Tạp chí điện tử Giao Điểm một bài viết từ năm 2001 (tôi mới sửa chữa và bổ sung thêm, 5-2005).

Đây là bài viết thể hiện phương pháp nghiên cứu và cách nhìn nhận tư liệu gốc (Đại Nam thực lục IV, V & VI cùng những châu bản xác thực trong đó), đồng thời thoáng nhìn về giai đoạn lịch sử hệ trọng từ 1930–1945–1954 (giai đoạn dân tộc ta bị phân hóa ra làm ba lực lượng [1, tả đạo; 2, cộng sản; và 3, trung lập, dân tộc chủ nghĩa]), chứ không còn là hai lực lượng như trước đó (Trần Trọng Kim: “… dần dần người trong nước phân chia ra bên giáo, bên lương ghen ghét nhau hơn người cừu địch”, VNSL., bản in lần thứ 7, tr. 343, tr. 338 – 343). Trong đó, tôi đã bổ sung thêm nhận định về vai trò lịch sử của lực lượng thứ 3 (Phật giáo và đại bộ phận nhân dân, quân nhân, công chức Miền Nam Việt Nam). Đó chính là điều tôi đã thể hiện ở tiểu thuyết “Mùa hè bên sông”, cuốn tiểu thuyết tôi đã kính gửi đến Giao Điểm (qua sự chuyển giao giúp, đầy ân nghĩa của nhà văn Lê Thị Huệ, chủ biên Gió-O).

Kính mong ông lưu tâm đọc giúp. Nếu được, xin ông cho đăng như một cách trình bày sự nhận định, sử dụng tư liệu gốc Đại Nam thực lục chính biên IV, V, VI…

Kính chúc ông luôn khỏe mạnh và Giao Điểm ngày càng đầy sức mạnh trí tuệ, tâm hồn.

Kính thư,
TXA.


TRẦN XUÂN AN
TỪ ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN IV, V & VI (1847 – 1885 – 1888), SUY NGHĨ VỀ GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ THUỘC THẾ KỈ XX (1930 – 1945 – 1975)


Một con người thật sự sống, không thể chỉ tồn tại như một vật thể trong quan hệ duy nhất – quan hệ với thiên nhiên (khí hậu, cỏ cây…). Do đó, hầu như ai cũng chịu sự tác động bởi các sự kiện thuộc về thời cuộc và đều ít nhiều tác động lại các sự kiện đó, tuỳ theo cách thế của mình.

Đó là một nhận thức không có gì mới, trong việc nghiên cứu một nhân vật, giữa thực tiễn hằng ngày, ở các sáng tác văn chương…

Đối với nhân vật lịch sử, cuộc đời của họ đã tạo nên các nét lớn, các nét chủ đạo của bức tranh thời đại họ sống. Tất nhiên, dẫu là nét lớn, nét chủ đạo, cũng không thể tách hẳn ra khỏi tổng thể bức tranh.

Đó lại là một ví von có phần đơn giản hoá?

Trên một mặt phẳng của khung vải, cho dẫu với bút pháp, quan niệm nghệ thuật thuộc trường phái hội họạ nào đi nữa, cũng khó thể hiện một chân dung giữa cả một thời đại với các nhân vật và sự kiện một cách chi tiết, gồm cả chiều sâu của từng tâm trạng và khuất khúc của bao vấn đề.

Các ẩn dụ nghệ thuật sinh động, hàm súc, mang tính biểu tượng cao về lịch sử lại cần đến các thẩm thức sâu rộng về sử học, một khoa học luôn vươn tới sự minh xác (minh bạch và xác thực!).

Tôi mạn phép mượn lối ví von quen thuộc ấy để nói lên một điều: Nghệ thuật bất kì loại hình gì, ngay cả tiểu thuyết, khi đi vào đề tài lịch sử, cũng cần có sự bảo chứng của khoa học lịch sử, cả về phía sáng tác lẫn phía thưởng ngoạn.

Do đó, hơn mười năm nay (chưa kể những tháng năm trước đó), tôi bước vào sử học, ra sức làm một người nghiên cứu, biên soạn.

Trong hạn chế của người biên soạn, trước hết, ở cuốn sách “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” [*a], tôi chọn lọc và rút gọn các vấn đề, các sự kiện, kể cả những chi tiết nhỏ nhất, ít liên quan nhất đến nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), nghĩa là không sót chi tiết nào, từ tư liệu chuẩn cứ (Đại Nam thực lục), cũng chỉ theo quan niệm trên.

Công việc ấy xem ra không mấy phức tạp, nhưng thực sự không phải như vậy.

Về giai đoạn lịch sử Nguyễn Văn Tường sống, hoạt động, công việc nghiên cứu thật khó khăn. Nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù không đội trời chung”, “kẻ thù lớn nhất của nước Pháp” với chủ nghĩa thực dân thời bấy giờ của bọn thống trị tại Pháp và bọn trực tiếp xâm lược, người mà thực dân Pháp quyết đập tan tành uy tín, người đã bị bọn gián điệp đội lốt linh mục, giám mục, hoặc linh mục, giám mục thật, nhưng mang bản chất xâm lược cuồng bạo, thực hiện mưu toan vói tay vào sử học (BAVH.) để xuyên tạc, bôi nhọ ngay cả sau khi Nguyễn Văn Tường đã “bị nước Pháp đày cho chết” [1], công việc nghiên cứu ấy quả là không dễ dàng.

Người biên soạn đã có một lần thưa đầu sách cho cuốn “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” [2] trước những khó khăn gặp phải ấy:

“”Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chính thức dưới triều Thành Thái [3], đồng thời đã được cẩn mật khắc in cũng vào thời điểm vị vua yêu nước này chưa bị thực dân Pháp lưu đày, dù với số lượng ít ỏi, cất giấu trong kho sử, đã làm sáng tỏ con người, tư tưởng và toàn bộ hoạt động chính trị của Nguyễn Văn Tường [4]. Tất nhiên, tính chất bảo hoàng của một vương triều suy vi vẫn chi phối các cây bút chép sử! Do đó, mọi sự kiện được trình bày, dẫu đã được làm rõ – Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến làm đúng mọi điều trong điều kiện lịch sử cụ thể bấy giờ – vẫn là cái rõ nhuộm màu phê phán. Cũng như các nhân vật lịch sử thuộc nhóm chủ chiến, Nguyễn Văn Tường trong “Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, nhất là các trang sử chưa kể đến – đệ lục kỉ (khắc in vào thời Duy Tân còn quá bé!) – gây cho người đọc hiệu ứng phản cảm, chí ít cũng mất cảm tình, mặc dù với nhận thức lí tính – có suy ngẫm, phân tích – , thấy ông lẫn các thành viên ấy đúng là những con người có nhân cách cao đẹp, ít ra cũng đứng đắn [5], có lòng yêu nước sâu nặng, quyết tâm chống Pháp xâm lược và chống nhà Thanh mưu toan bành trướng, quyết tâm giữ vững sự tự chủ cho vương triều Nguyễn, quyết tâm chống các vị vua đầu hàng, dâm ô, bọn quan lại cơ hội, câu kết với giặc Pháp.

Dẫu sao, hiệu ứng do chất bảo hoàng và sự rụt rè ở các cây bút chép sử triều Nguyễn, từ tập 27 đến tập 36 “Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.) vẫn là thứ hiệu ứng tai hại! Đó là chưa nói đến độc tố ở tập 37 và 38!

Tuy vậy, nếu chỉ ĐNTL.CB. kỉ IV và kỉ V cũng đã đủ rõ Thành Thái đúng là một Lê Thánh Tôn, còn Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Trãi, và vấn đề chỉ còn chờ thời đại dân chủ, cách mạng làm sáng tỏ hơn, gột tẩy đi các màu sắc bảo hoàng đến mức ngu trung ở bộ sử, do hạn chế đáng tiếc của thuở bấy giờ, với các sức ép phong kiến, thực dân, “tả đạo”, chủ “hoà”… Riêng đệ lục kỉ (tập 37 – tập 38), nếu gạt đi màu sắc phản quốc một cách cố ý (?) trong cách chép sử [*b], sẽ có những lượng thông tin hiện thực làm sáng tỏ hai kỉ [IV &V] kia, gồm cả hiện thực về nhân cách Đồng Khánh, vốn hay lạm thẳng, thiếu thuần lương (nhận định nghiêm túc và thành khẩn của Tự Đức trong di chúc!).

Nhưng trong thực tế lịch sử, có biết bao luồng thông tin gây nhiễu, đầy ác ý với chiến dịch xuyên tạc, dựng đứng chuyện bịa nhằm hạ uy tín những người lãnh đạo, dập tắt phong trào Cần vương và để răn đe! Bao người dân mù chữ, bao kẻ sĩ vô tâm bị mắc mưu tuyên truyền của kẻ thù thực dân, kể cả thực dân “đội lốt” Thiên Chúa giáo, hoặc bị hiệu ứng tai hại, bị nhiễm độc tố nói trên, rồi lại sáng tác thơ ca hò vè, viết sách, viết báo! [*c].

Đến bây giờ, hẳn ai cũng còn bị rối trong mớ bòng bong của thực dân Pháp, bọn “đội lốt”(?!) Thiên Chúa giáo từ thời ấy để lại [*c], khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Do đó, chúng tôi phải xác định tư liệu tương đối đáng tin cậy nhất và đầy đủ nhất để làm chuẩn: “Đại Nam thực lục, chính biên”, đệ tứ và đệ ngũ kỉ (kể cả đệ lục kỉ, với thao tác xới lật cần thiết [*d]. Rối nhiễu nhưng với phương pháp luận khoa học về văn bản học, về công việc thẩm định tư liệu, nhất là tư liệu trong hơn nửa thế kỉ mất nước (1885 – 1945) và ba mươi năm chiến tranh (1945 – 1975), tôi thấy không còn tư liệu nào đáng tin cậy và đầy đủ hơn bộ sử ấy, đặc biệt với hai kỉ (đệ tứ – đệ ngũ) ấy. Dẫu có những hạn chế nhất định như đã nói, nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn vẫn giữ được tính độc lập tương đối của một tổ chức sử gia, lại thừa điều kiện – trình độ học vấn; tư liệu; quá trình sống với các sự kiện thời đại đó… – nên hơn ai hết và hơn đâu hết, họ có thể làm tốt chức năng chứng nhân. Điều quan trọng là tính khuynh hướng trên lập trường dân tộc. Điều đó được thể hiện khá rõ, chưa kể ở mạch ngầm của các trang sử, khiến hậu thế có thể tin cậy. Tất nhiên, hậu thế phải biết cách đọc bộ sử ấy, đặc biệt là hai kỉ (IV & V) ấy, với nhãn quan sử học tiên tiến nhất, khoa học nhất của thời đại mình. Riêng đệ lục kỉ (2 tập 37 – 38), cũng hết sức quan trọng, nếu “thông cảm” cách chép sử bấy giờ với quan điểm phản quốc, đánh giá nhân vật, sự kiện theo tiêu chí ngược để lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét. Tôi đã vượt lên hạn chế của bản thân, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để cuối cùng đi đến nhận định trên, xác định được chuẩn cứ đó! Phải có chuẩn cứ, để căn cứ vào đấy mà tham khảo, đối chiếu, đãi lọc, tiếp nhận, phê phán, loại trừ các nguồn tư liệu khác, kể cả Thi tập, nhất là châu bản được chép lại ở một số sách không phải tư liệu gốc. Rối nhiễu, để lần gỡ, phối kiểm, đãi lọc xong, lại sáng lên cảm xúc có tính lương tâm và dân chủ.

Trên cơ sở những nhận thức ấy, chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà khoa học lịch sử, các nhà giáo đã có tham luận tâm huyết trong kỉ yếu của Hội nghị trên [6], tuy có người còn định kiến…

Tôi tin rằng đã đến lúc thoát khỏi tình trạng “đẽo cày giữa đường” do nhiễu loạn “tư liệu” [7]”.


Nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và giai đoạn lịch sử ấy còn phải đụng chạm đến một vấn đề tế nhị, dễ gây tổn thương đến tình cảm tôn giáo của không ít người. Người biên soạn cũng mạo muội xin thưa ở lời thưa đầu sách ấy:

“Trong tinh thần đoàn kết dân tộc nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan sử học, với ý thức tôn trọng sự thật lịch sử, tôi đã khu biệt rõ đối tượng cần phê phán thường được gọi là bộ phận “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo. Đó là các giám mục, linh mục mang bản chất thực dân, hoặc thực dân đội lốt tu sĩ Thiên Chúa giáo… Về Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, nhận định của các giáo sư như Trần văn Giàu, TS. Cao Huy Thuần, TS.Yoshiharu Tsuboi, TS. Trần Ngọc Thêm, linh mục viện sĩ Trần Tam Tỉnh [*e]… đã rất xác đáng ở các cuốn sách đã xuất bản. Giáo hoàng Jean-Paul II cũng đã bày tỏ sự thống hối chung trong buổi lễ ngày 12. 03. 2005 vừa qua… Xin giới thuyết rõ nội dung cụ thể – lịch sử của từ “tả đạo” như vậy. Ngoài ra, tôi cũng đã thể hiện cái nhìn riêng về vấn đề này trong tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” [7b]”.

Cho đến lúc biên soạn lần thứ hai cuốn tiểu sử biên niên theo dạng niên biểu về nhân vật Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), chúng tôi vẫn băn khoăn và vẫn tự mạnh dạn trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra: Tình cảm Thiên Chúa giáo chẳng lẽ là sự đồng loã với thực dân và bọn “tả đạo” để tiếp tục xuyên tạc sự thật lịch sử và khoái trá trong việc tiếp tục bôi nhọ những gương mặt anh hùng, cho dù là anh hùng bi tráng như Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến triều đình Huế? Và tình cảm Thiên Chúa giáo chẳng lẽ là sự ca ngợi những tên thực dân, cướp nước tự mệnh danh là “sứ giả Thiên Chúa”, chẳng lẽ là sự tôn vinh bọn bán nước, cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc, được dán lên nhãn hiệu “thánh tử vì đạo”, “người trí thức bản xứ làm sáng danh Thiên Chúa” của “mẫu quốc Pháp”, “nước đỡ đầu: Mỹ”? [*g].

Đó là những khó khăn, vấn nạn. Người nghiên cứu, biên soạn đã cố gắng, thậm chí, phải nói là đã nỗ lực, để yên tâm vượt qua.

Và cũng có lẽ chẳng cần phải trình bày nhiều thêm, ngoại trừ đôi điều cụ thể.

Trước khi khảo cứu và đặt bút viết những cuốn sách với đề tài này, tôi đã sưu tập và nghiên cứu nhiều tư liệu, sách báo viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), như đã thưa trước. Từ đó, tôi cũng tuyển chọn để hình thành một cuốn sách thuộc dạng sưu tập – ghi chú, tức là phần II của cuốn sách “Tiểu sử biên niên…”. Đó là “Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và các sự kiện thời kì đầu chống Pháp…” của Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch Viện Sử học Việt Nam tại Hà Nội) [*h].

Dẫu vậy, cuốn sách ấy vẫn thuộc vào công đoạn đầu trong quá trình nghiên cứu về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), trước khi làm công việc chú thích cho Thi tập của ông, gồm cả việc làm sáng tỏ một vài chủ điểm sử học trọng yếu, liên quan.

Đây cũng chính là đề cương cho cuốn truyện – sử kí – tư liệu lịch sử [*i] tôi đã viết và đã xuất bản (12-2004).

Người biên soạn, nghiên cứu nghĩ rằng, ngay tự thân cuốn tiểu sử biên niên dạng niên biểu (chưa kể những cuốn sách khác tôi đã viết về đề tài này) sẽ tiện lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến triều đình Huế cũng như giai đoạn lịch sử 1858 – 1885 và phong trào Cần vương sau đó. Đó là giai đoạn đầu dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu chống lực lượng xâm lược Pháp, chủ nghĩa thực dân Pháp và Phương Tây nói chung. Đó là cuộc chiến đấu trước sự tấn công bằng nhiều loại vũ khí và trên các mặt trận, từ tôn giáo, văn hoá, kinh tế, ngoại giao, chính trị đến quân sự. Đó là một hình thái chiến tranh khá lạ lùng so với các hình thái chiến tranh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Người nghiên cứu, khảo luận cũng nghĩ rằng cuốn sách sẽ có chút hữu ích nào đó để hiểu hết chiều sâu, tầm cao của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ và bá quyền Trung Quốc giai đoạn sau của dân tộc ta do Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và Lê Duẩn lãnh đạo, với thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

Hơn nữa, từ đó, thấy được lô-gích (logic/logique) lịch sử có tính tất yếu trong công cuộc chống chế độ Diệm – Thiệu (đều là “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo, ít ra là kể từ nửa sau thế kỉ XIX) của lực lượng Phật giáo và của đại bộ phận nhân dân mặc nhiên hoặc có ý thức thuộc về chủ nghĩa dân tộc truyền thống – hiện đại, tại Miền Nam Việt Nam, suốt 21 năm (1954 – 1975). Trong đó, vai trò lịch sử của Phật giáo Miền Nam Việt Nam là hết sức nổi bật. Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy. Cũng không thể không thấy rằng, một bộ phận khá lớn quân nhân từ trung cấp (cấp tá) trở xuống thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa và tầng lớp công chức ở cấp tỉnh thuộc chế độ Sài Gòn là thuộc về lực lượng dân tộc chủ nghĩa, ngấm ngầm hay công khai chống Diệm – Thiệu (1954 – 1975). Phật giáo và phân số nhân dân, quân nhân, công chức ấy tại Miền Nam Việt Nam bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử, vì họ chống “tả đạo” (một lực lượng vốn gắn liền với đội quân xâm lược Âu – Mỹ), như cha ông họ đã chống từ nửa sau thế kỉ XIX, nhưng họ cũng không thể đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, duy vật, vô thần, chuyên chính vô sản vốn thuộc một trong hai khối trong giai đoạn “chiến tranh lạnh” (1945 – 1991, đứng đầu hai khối là Liên Xô – Mỹ).

Và chắc chắn những cuốn sách này sẽ không phải là vô ích trong giai đoạn Đổi mới hiện nay, mặc dù sử học vốn không thể “thực dụng” theo kiểu “sử học vì mục đích tuyên huấn…”.

Dẫu những trang sử cũ mãi còn đó, vẫn cần được in lại để đọc lại, viết lại với nhãn quan khoa học sáng suốt, với cách nhận thức, đánh giá theo quan điểm lịch sử – cụ thể [8]. Tuy nhiên, quá khứ vẫn thuộc về quá khứ, mặc dù quá khứ luôn giúp chúng ta định hướng cho hiện tại, cho tương lai. Mọi người, không trừ một ai, đều có quyền hi vọng ở những chương sử mới về những chặng đường mới của dân tộc trong bộ sử của nhân loại (quốc sử và sử thế giới), tuỳ theo cách thế của mình [*k]. Công lí, đạo lí Việt Nam đã sáng tỏ khắp cả hành tinh, từ cuộc kháng chiến 131 năm (1858 – 1989): đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” (một thứ tự do với nội dung qua mỗi thời kì mỗi phát triển, để tiến đến bao hàm tất cả mọi quyền dân chủ, trong nỗ lực chung hiện nay); đó là ý chí chống xâm lược, chống nô dịch bất kì màu sắc nào; đó là quyết tâm xây dựng Đất nước trong ý hướng giữ gìn, cách tân, phát huy bản sắc dân tộc [9]; đó là quốc thể và phẩm giá Việt Nam trước lương tri loài người… Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam. Ý thức sử tri đang và sẽ cùng mỗi người, không trừ một ai, bước trong hiện tại, bước tới tương lai, với sự định hướng của công lí, đạo lí rất Việt Nam, rất nhân loại ấy.

Để thấu hiểu những điều trên, người nghiên cứu, biên soạn đã nghiền ngẫm trên từng trang sử cũ…

Từ đó, những cuốn sách về đề tài đã hình thành.

Thành thật mong mỏi được kiểm chứng, đối chiếu với tư liệu chuẩn cứ và phát hiện giúp những sai sót có thể do người nghiên cứu, biên soạn gặp phải, ngoài ý muốn. Tuy nhiên, chắc chắn không thể có sai sót nào đáng kể, hoặc mạnh dạn nói là không thể sai sót. Với lòng trung thực trong công việc nghiên cứu khoa học, xin phép được nhấn mạnh là tôi (người biên soạn, nghiên cứu) hoàn toàn bám sát Đại Nam thực lục, các kỉ có liên quan đến đề tài, đồng thời hết sức giữ đúng nguyên tắc chọn lọc (chọn lọc cũng có nguyên tắc của nó).

Xin được chỉ dạy, mách bảo, góp ý, phê bình. Với lòng biết ơn, mong được nhận thư, sách, báo và tạp chí…

TP.HCM., ngày 02. 06. 2001 (14.04. Tân tị)
và tháng 5. 2005

TRẦN XUÂN AN

CƯỚC CHÚ THUỘC BÀI VIẾT:

[*a] Phần chữ vi tính trong ổ cứng computeur của cuốn sách dẫn chi tiết này đã bị người xếp chữ (Nguyễn Nhị Lan Hà [đường Quang Trung, Gò Vấp, TP. HCM.], con gái anh Nguyên Minh, thành viên nhóm Ý Thức, Phan Rang) làm thất lạc. Nay chỉ còn bản thảo viết tay và bản in vi tính.

(1) Các cụm từ nguyên văn hoặc theo ý tưởng nguyên tác, in nghiêng, theo thứ tự, là của H. Le Marchant de Trigon (NNBCĐH. [BAVH., 1917], tập IV, sđd. , tr. 273), Puginier (dẫn theo Trần Viết Ngạc và GS. Đoàn Quang Hưng, KY. HNKHLS. CĐSP. TP.HCM., sđd., tr. 12 và KY. HNKHLS. ĐHSP. TP.HCM., sđd., tr. 101), De Champeaux (dẫn theo GS.TS. Yoshiharu Tsuboi, NĐN. ĐDVP. & TH., sđd., tr. 270), H. de Pirey ((NNBCĐH. [BAVH., 1914], tập I, sđd., tr. 234). Xin xem bảng tên sách tham khảo viết tắt.

(2) “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”, thi tập của Nguyễn Văn Tường, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, GS. Đoàn Quang Hưng, TS. Võ Xuân Đàn, Nguyễn Tôn Nhan, Trần Xuân An, TS. Ngô Thời Đôn sưu tầm, giới thiệu, khảo luận sử học, dịch từ nguyên tác chữ Hán, nhuận sắc, chú thích, hiệu đính (chưa xuất bản).

(3) Thành Thái ở ngôi từ 1. 1889 đến 7. 1907, là con trai thứ bảy của Dục Đức.

(4) Chi tiết rất đẹp của nhân cách Thành Thái, trong hạn chế lịch sử nhất định, là điểm này. Tuy vậy, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (xb. 1921), mặc dù cũng đã làm sáng tỏ lập trường chính trị của Nguyễn Văn Tường là kiên định chống Pháp, ngay lúc vâng mệnh ở lại Huế, lại có xuyên tạc đạo đức của ông (và cả Tôn Thất Thuyết)!

(5) Trong nhóm chủ chiến triều đình Huế, chỉ có 3 nhân vật có cá tính thường bị vua Tự Đức nhắc nhở, khuyên nhủ và đôi khi phê phán là Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết và Trương Văn Đễ. Tuy vậy, Tự Đức vẫn không phải không có nhiều lần ngợi khen họ. Tôi không thể cho rằng các sử quan triều Nguyễn dám xuyên tạc lời dụ của Tự Đức, mặc dù sử quan có quyền đưa vào Thực lục hay gác lại những lời dụ dạng ấy, trong giới hạn cho phép của các nguyên tắc viết sử (01. 04. 2005, chua thêm: nguyên tắc viết sử đại để phải bảo đảm tính khái quát toàn diện, nghĩa là chọn những chi tiết tiêu biểu; tiêu biểu nhưng phải tránh sự phiến diện). Vì vậy, tôi tin cá tính của ba vị nói trên là có thật, và cũng có thật về Tự Đức vốn quen với cách thức “thương cho roi cho vọt” theo kiểu một hoàng đế ngày xưa, ở những lời dụ bình thường (xin nhấn mạnh: ở những lời dụ bình thường). Tôi cũng tin lỗi lầm đến mức tự tiện xử án chém lính chăn voi, tử hình tên suất đội phản bội, không tâu báo, của Tôn Thất Thuyết và Trương Văn Đễ là có thật; cũng có thật các hành vi phá tán sự nghiệp và thanh danh trong bản án về Ông Ích Khiêm. Tuy nhiên, cần so sánh lỗi lầm của họ với bao lỗi lầm của nhiều quan lại, hoàng thân khác trong Thực lục, cần nhìn về họ một cách toàn diện. Lòng yêu nước, chí căm thù giặc xâm lược sâu sắc ở họ vẫn là nét chủ đạo. Ánh sáng ấy có thể làm sáng cả những nét tối? Và chắc chắn, họ không phải là hình ảnh xấu xa, hèn nhát, hiếu sát, cuồng bạo như kẻ thù đã bôi nhọ họ. Riêng về đoạn cuối đời của Trương Văn Đễ, tôi đã có ý kiến trong cuốn sách này (01. 04. 2005, chua thêm: Trương Văn Đễ và Đinh Tử Lượng làm nhiệm vụ cản hậu, đánh lạc hướng truy kích của thực dân Pháp. Chính vì bản sớ kêu “oan” cho Trương Văn Đễ của Trương Quang Đản vào năm Thành Thái thứ hai, (do áp lực thời giặc Pháp thống trị), khiến hậu thế hiểu lầm về Trương Văn Đễ [xem: ĐNLT., sđd., tập 3, NXB. Thuận Hoá, 1993, tr. 425 – 426: phụ chép dưới tiểu truyện Trương Đình Quế]).

(*b) Trong kỉ đệ lục (1885 – 1888, tập 37 – tập 38) của “Đại Nam thực lục, chính biên”, viết về nguỵ triều Đồng Khánh, những nhân vật lịch sử trong nhóm chủ chiến triều đình Huế (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn) và các nghĩa sĩ lãnh đạo Cần vương ở các địa phương đều bị lên án gay gắt bằng các từ ngữ như “làm giặc”, “làm loạn”, “quyền thần”, “phản nghịch”… Trong khi đó, những tên giặc Pháp xâm lược đầu sỏ như De Courcy, De Champeaux, Hector, những tên tay sai bán nước như Nguyễn Hữu Độ, lại được đề cao, phong thưởng! Như thế là chép sử theo tiêu chí phản quốc của nguỵ triều Đồng Khánh! Nói cách khác, “Đại Nam thực lục, chính biên, kỉ đệ lục (nguỵ triều Đồng Khánh, 1885 – 1888)”, viết theo tiêu chí trái ngược với công lí nhân loại, trái ngược với đạo lí, tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc, để lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét.
(Chú thích ngày 31. 03. 2005).

(*c) Như “Bulletin des amis du vieux Huế” (BAVH.) với các bài của các linh mục H. Pirey, Delvaux… Còn “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu thực sự là viết theo thủ thuật “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn”, nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị tôn phù Cường Để – hậu duệ hoàng tử Cảnh, một hoàng tử đã theo Thiên Chúa giáo –; chịu tác động của Duy tân Giáo đồ hội Nghệ – Tĩnh, cụ thể bởi chuẩn linh mục Mai Lão Bạng; chịu sự chi phối của Lương Khải Siêu vốn thuộc phái bảo hoàng. Cụ Phan Bội Châu cũng ở trong quỹ đạo mắc mưu tuyên truyền xuyên tạc và bôi nhọ này. Nguyên văn VNVQS., viết về Nguyễn Văn Tường: “Người Pháp ghét hắn [NVT.] là người phản trắc, sợ có hại về sau, bèn đưa hắn ra khơi, quẳng xác xuống biển, rồi đem cái quan tài không bằng sắt về, bắt con cháu Tường bỏ ra hơn 10 vạn [lạng] vàng để chuộc xác” (bản dịch, NXB. KHXH., 1982, tr. 77 – 78). Tác giả VNVQS. (Phan Bội Châu & …) đã xuyên tạc tính chất lòng thù hận của Pháp đối với Nguyễn Văn Tường! Không những xuyên tạc, bôi nhọ mà còn sai lầm khi nhầm cái chết của Phạm Thận Duật (người không có tên trong bản án chung thẩm tháng 8 Ất dậu 1885) ở giữa biển với cái chết ở đảo Tahiti của Nguyễn Văn Tường (chú thích của dịch giả). Với cách phân loại, xử lí tư liệu, loại trừ và thu nhận lượng thông tin khách quan [tuy không xác thực; sự thật là NVT. mất tại Tahiti, 1886] (có nghĩa là, gạt bỏ thái độ biểu cảm ác ý), tôi thấy: Dẫu sao, tác giả VNVQS. (Phan Bội Châu & …) cũng vô hình trung thừa nhận sự thật là thực dân Pháp rất thù hận Nguyễn Văn Tường và con cháu của ông. Xin xem thêm về vấn đề này: “Nguyễn Văn Tường,“những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, cùng người viết: Trần Xuân An, 2002, đã đăng trên website Giao Điểm, 5-2005:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

(*d) Trong chừng mức nào đó, cũng tương tự như khi tham khảo An Nam chí lược của Lê Tắc, một tên người Việt gốc Hoa phản bội nước Đại Việt, theo hàng giặc Nguyên – Mông (viết về giai đoạn lịch sử từ cổ đại cho đến đời Trần nước ta ). Lê Tắc gọi những anh hùng khởi nghĩa như Hai Bà Trưng là giặc (giặc của bọn Tàu xâm lược!). Do đó, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên phải làm động tác xới lật cần thiết khi cùng các sử gia khác tham khảo để biên soạn bộ Đại Việt sử kí và Đại Việt sử kí toàn thư. Đối với anh hùng thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, vốn bị một số thư tịch cổ gọi là “vua nguỵ”, “nguỵ Tây Sơn”, các sử gia sau này cũng phải xới lật như vậy. Tất nhiên sự so sánh nào cũng khập khiễng. Ở đây, riêng về ĐNTL. CB. đệ lục kỉ, các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn chép đúng quan điểm, thái độ và hành trạng phản quốc của hai tên Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ ấy. Hai kẻ phản quốc này mạt sát Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến một cách thậm tệ (gọi họ là giặc, làm loạn, quyền thần…). Là người hậu sinh, tôi chỉ lên án Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ, và thừa hiểu ý thức lưu lại sự thật cho hậu thế minh xét của Quốc sử quán qua bản phàm lệ đệ lục kỉ: chép sử theo tiêu chí ngược.

(6) Hội nghị Khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, 20. 06. 1996, ĐHSP. TP.HCM. chủ trì.

(7) Trích nguyên văn “Lời thưa đầu sách” (Trần Xuân An, KVPCĐT. NVT., T., VNVCN., TH. & TT., sđd., tr. 9 – 12 & tr. 14). Tôi dùng thành ngữ “đẽo cày giữa đường” không có ý thực dụng chủ nghĩa trong việc nghiên cứu, nhận định sử học, mà với nghĩa là thiếu tính độc lập trong công việc khoa học đòi hỏi phải nghiêm túc, bản lĩnh ấy.

(*e) Cùng các học giả, tiến sĩ như Cao Huy Thuần (tác giả cuốn “Các giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1847 – 1914”, NXB. Tôn Giáo tái bản, 2003)…
(Chú thích ngày 31. 03. 2005).

(7b) Trích nguyên văn “Lời thưa đầu sách” (Trần Xuân An, KVPCĐT. NVT., T., VNVCN., TH. & TT., sđd., tr.9 – 12 & tr. 14). Xin vui lòng xem tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến), bản 2003.

(*g) Dẫu cho Nhà nước CHXHCN. Việt Nam đã kí hiệp định thương mại với chính phủ Mỹ và đang cố gắng bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cũng phải nói và viết đúng sự thật lịch sử… Thật là muộn màng nhưng cũng rất cần thiết khi ông Seymour Topping, cựu tổng biên tập báo New York Times, người mà trước đó từng thiết lập văn phòng Hãng Thông tấn AP tại Việt Nam những năm 50 (XX), phóng viên trưởng New York Times, cũng tại Việt Nam, trong thập niên 60 (XX), trả lời phỏng vấn của phóng viên Hà Nguyên, nhân chuyến ông sang Việt Nam và đến thăm toà soạn báo Thanh Niên, đàm luận với tổng biên tập Nguyễn Công Khế vào ngày 24. 03. 2005. Câu trả lời của Seymour Topping, trước câu hỏi của Hà Nguyên, như sau: “Thất bại trong hoạch định chiến lược của Mỹ là sự thiếu hiểu biết về văn hoá, lịch sử Việt Nam, về quyết tâm của người Việt muốn được tự do, khỏi ách đô hộ ngoại xâm. Nếu như năm 1945 [đúng ra là sau 1945 … – TXA. chua thêm], Mỹ phân tích đúng đắn thì Mỹ lẽ ra đã không bao giờ ủng hộ việc người Pháp quay trở lại kiểm soát Đông Dương” (báo Thanh Niên, số 84 [3380], thứ sáu, 25. 03. 2005). Tôi nghĩ: Đáng lẽ ra, Seymour Topping phải nói thêm là Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng khi ủng hộ Thiên Chúa giáo qua hai “nền đệ nhất và đệ nhị cộng hoà” Diệm - Thiệu!
(Chú thích ngày 31. 03. 2005).

(*h) So với bản “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” đã in vi tính, tôi có điều chỉnh lại ở đoạn trình bày các công đoạn biên soạn này của bài viết “Lời thưa đầu sách”. Trong thực tế, đúng là tôi có sưu tập thêm một cuốn có tên gọi là “Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” và đã viết ở Lời thưa đầu sách nói trên như sau: “gồm những bài viết, những trích đoạn của các giáo sĩ thực dân, các sử gia, nhà văn viết lách trong quỹ đạo thực dân (tất nhiên với quan điểm, lập trường thực dân, bồi bút!) và của các nhà nghiên cứu sử học khá đa dạng trong một vài thập niên gần đây…” (bản in vi tính, sđd., tr. 18). Nhưng tôi thấy không cần thiết phải sưu tập để làm thành sách loại này, mà chỉ dùng để tham khảo riêng. Do đó, cuốn “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” được đổi tên là: “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp””, (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

(*i) Đến năm 2002, tôi chỉ viết thành sách với thể loại tổng hợp: truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”; xuất bản vào tháng 12. 2004.
(Chú thích ngày 01. 04. 2005)

(8) Quan điểm nhận thức, thẩm định có tính đến các yếu tố cụ thể của một giai đoạn lịch sử nhất định, từng nhân vật lịch sử nhất định… Yếu tố cụ thể bao gồm bối cảnh quốc tế cụ thể, tương quan lực lượng cụ thể, đất nước cụ thể, truyền thống văn hoá cụ thể, thể chế chính trị – xã hội cụ thể, tình thế, tình huống, điều kiện và biện pháp cụ thể, nhân vật với cá tính, tư tưởng cụ thể… Thẩm định (xem xét, đánh giá) lịch sử (sự kiện và nhân vật…) không thể dùng tiêu chí, chuẩn mực, trình độ khoa học kĩ thuật, điều kiện của không gian – thời gian này (Việt Nam – thế kỉ XX) áp đặt vào không gian – thời gian kia (Đại Nam – thế kỉ XIX). Tuy vậy, trên cơ sở quan điểm lịch sử – cụ thể đó, cần có cái nhìn toàn thể (toàn cảnh thế giới), cái nhìn bao quát đồng đại (cùng thời đại) và lịch đại (qua từng thời kì lịch sử, từ cổ sơ đến hiện tại).

(*k) … với tư thế một nhân vật lịch sử có tên tuổi hay như một thành viên vô danh của một lực lượng, một phân số quần chúng, một cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài quốc sử ra, còn có những cuốn sử địa phương (sử làng, sử xã, sử huyện, sử tỉnh), sử gia tộc…
(Chú thích ngày 31. 03. 2005).

(9) Xin hãy để những thế hệ Việt Nam mai sau tự hào về diện mạo văn hoá – lịch sử Việt Nam (gồm trên 54 nhân tộc, sống chan hoà trên một Đất nước toàn vẹn , thống nhất) với những gương mặt Việt Nam trong sự toả sáng các giá trị phục hưng truyền thống thuần tuý Việt Nam, các giá trí phát minh, sáng tạo đặc sắc, lành mạnh, hiện đại – dân tộc, về vật chất và tinh thần, đóng góp vào văn hoá – lịch sử nhân loại, chứ không phải là các giá trị ngoại nhập thiếu sự tiếp biến (“khúc xạ”)…
Trên đây là nhận thức riêng và kiến nghị của người biên soạn.

Ghi chú bổ sung ngày 01. 04. 2005: Xin xem thêm tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (b. 2003), đặc biệt là hai bài tiểu luận trong tiểu thuyết ấy: “Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx – Engels”“Ý nghĩ nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn” (Trần Xuân An [với cái tên nhân vật tiểu thuyết là Trần Nguyễn Phan]).
TXA.

SÁCH THAM KHẢO Ở BÀI NÀY:

1. Cao Huy Thuần, Các giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1847 – 1914) (CGSTS. & CSTĐ. CP. TVN…), NXB. Tôn Giáo tái bản, 2003.

2. Nhiều tác giả, Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH.) (Bulletin des amis du vieux Huế [BAVH.]), tập I – tập VII (1914 – 1919), Đặng Như Tùng, Bửu Ý, Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh, Phan Xưng, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Vi dịch và hiệu đính, NXB. Thuận Hoá, 1997 – 1998.

3. Nhiều tác giả, Kỉ yếu Hội nghị khoa học (KYHNKH.) “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP.) TP. HCM., 20. 06. 1996.

4. Nhiều tác giả, Kỉ yếu Hội nghị khoa học (KYHNKH.) “Nhóm chủ chiến triều đình Huế cuối thế kỉ XIX”, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP.) TP. HCM., 11. 1991.

5. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Trần Xuân An (biên soạn) Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (KVPCĐT. NVT. T. VNVCN. TH. & TT.), thi tập của Nguyễn Văn Tường, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, GS. Đoàn Quang Hưng, TS. Võ Xuân Đàn, Nguyễn Tôn Nhan, TS. Ngô Thời Đôn sưu tầm, giới thiệu, khảo luận sử học, dịch từ nguyên tác chữ Hán, nhuận sắc, chú thích, hiệu đính (chưa xuất bản).

6. Phan Bội Châu, Những tác phẩm của Phan Bội Châu [NTPCPBC.] (tập I, gồm Việt Nam vong quốc sử [VNVQS.] & Việt Nam quốc sử khảo [VNQSK.]), Văn Tạo chủ biên, nhóm người dịch, giới thiệu và hiệu đính: Chương Thâu, Phan Trọng Báu, Quốc Anh, Mai Ngọc Mai, NXB. KHXH., 1982.

7. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam (BSVHVN.), riêng bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hoá Việt Nam”, NXB. Văn hoá – Thông tin, 1998.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), tập 3, NXB. Thuận Hoá, 1993.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL. CB.), tập 11 (xb. 1964), tập 24 (xb. 1971), tập 26 (xb. 1972) và các tập từ 27 đến 38 (xb. 1973 – 1978), bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964 – 1978.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (NTĐNTL. V. KVPCĐT. NVT….) (Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), TXA. chọn lọc, phần II, 2001.

11. Tsuboi (Yoshiharu), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVPVTH.), Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên dịch, Ban KHXH. Thành uỷ TP. HCM. xuất bản, 1993.

12. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), NXB. Tân Việt, (bản in lần thứ 7), 1964.

13. Trần Xuân An, Mùa hè bên sông (MHBS.) (Nỗi đau hậu chiến), bản 2003.

14. Trần Xuân An, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) (PCĐT. NVT), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ bốn tập, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.

15. Trần Xuân An, Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (TSBNKVPCĐT. NVT…), (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

16. Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (NVT. NNTNTX…), khảo luận và phê bình sử học, 2002.

17. Nhiều tư liệu khác đã được công bố bằng xuất bản như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của K. Marx và F. Engels…


Bài viết này đã được đăng tải trên website Giao Điểm ngày 27-5-2005 (VN.).
Bản này do chính tác giả sao chụp lại từ website Giao Điểm số nói trên
và tự đính chính 3 lỗi sơ suất của mình tại nhà riêng.


ĐÍNH CHÍNH

1. Giáo hoàng Jean-Paul II cũng đã bày tỏ sự thống hối chung trong buổi lễ ngày 12. 03. 2005 vừa qua… Xin chữa lại một chữ số trong dãy chữ số chỉ năm: 12. 03. 2000 chứ không phải 12. 03. 2005.

2. Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy. Xin thêm hai chữ “phát huy”: Phật giáo đã kế thừa được truyền thống gắn bó với vận mệnh dân tộc từ cổ đại đến giai đoạn Cần vương (1883 – 1896…) và phát huy cho đến tận giai đoạn 21 năm chia cắt Đất nước ấy.

3. Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam. Xin thêm dấu chấm phẩy ( ; ) và hai chữ “lịch sử”: Ý thức sử tri (sự nhận biết mỗi người đều góp phần làm nên lịch sử; lịch sử ghi nhận mọi tấm gương đức hạnh ở đời, mọi cống hiến ở tất cả các lĩnh vực…) là một nét bản sắc Việt Nam.
Xin cảm ơn.

TXA.



________________________

Đưa lên web. lại vào ngày 03-02 HB7 (2007)
Đúng y nguyên văn như khi mới đưa lên (28-11 HB5 [Ngày ghi tự động ở blog: Monday, November 28, 2005]).
TXA.

hidden hit counter